Tưởng không sao, mà hoá ra chuyện lớn

Xưởng
Thứ Bảy, 10/05/2025

(Bài 4 - Trong chuỗi "Cẩn thận là sống – Nhận diện nguy hiểm vô hình).

Có những thứ trong cuộc sống, nhìn qua thì tưởng chẳng sao, ai cũng từng làm, từng gặp, từng thấy. Nhưng nếu dừng lại nhìn kỹ, sẽ thấy đó là những chuyện nhỏ…dẫn đến hậu quả rất lớn.

Lau nhà bằng nước lau sàn trơn bóng – tưởng là sạch sẽ, thơm tho. Nhưng nếu nhà có người già, có trẻ nhỏ, thì chuyện ngã trượt chỉ cách một bước chân. Có trường hợp sau cú ngã nhẹ tưởng chừng bình thường, nhưng vài giờ sau bé nôn ói, rồi hôn mê do chấn thương sọ não.
Không ai cố tình, cũng không ai ngờ.

Đặt ghế ngồi gần cửa kính hoặc tường kính không dán cảnh báo – nhìn đẹp, tiện. Nhưng nếu có một đứa nhỏ chạy giỡn, đùa nhảy…cú va chạm bất ngờ có thể làm vỡ kính, mảnh vỡ ghim vào mặt vào người. Thực tế chuyện này xảy ra ở cả nhà riêng lẫn quán ăn, siêu thị.

Để nắp bồn cầu mở, đặt chậu nước sát nền, vứt túi nilon lung tung, ai mà để ý? Nhưng với bé dưới 3 tuổi, chỉ một cú tò mò, cúi người, chui đầu vào cũng có thể ngạt nước hay ngạt thở mà không ai phát hiện kịp.

Dây nịt võng lòng thòng, bóng bay buộc dây dẻo, màn cửa rũ xuống thấp, đều có thể là cái “thòng lọng vô hình” với một đứa nhỏ đang tập đi. Đã có những bé bị siết cổ chỉ vì mắc dây mà không biết kêu cứu.

Tưởng không sao, vì mình thấy quen quá rồi, thấy ai cũng vậy.
Nhưng chính cái “quá quen” đó mới nguy hiểm. Vì nó khiến mình chủ quan. Mình nghĩ chắc không tới mức đó đâu. Mình nghĩ chắc con mình khôn, mình để ý mà…
Cho tới khi chuyện xảy ra.

VẤN ĐỀ KHÔNG Ở CHỖ “KHÔNG BIẾT” – MÀ LÀ “BIẾT NHƯNG KHÔNG NGỜ”
Không phải xã hội thiếu thông tin. Không phải phụ huynh không quan tâm. Mà là sự mất cảnh giác đến từ chỗ tưởng là mình hiểu rồi, mình để ý rồi.

Giống như câu chuyện ở một trường học nọ: cầu thang không có tay vịn hai bên. Bé vấp té từ trên lầu xuống, vì chạy nhanh, vì sàn trơn, vì đôi dép nhựa. Mọi thứ bình thường, nhưng cộng lại thành bất thường. Và cái giá phải trả là sức khoẻ, là sinh mạng.

Những kĩ năng chăm sóc trẻ an toàn

CẨN THẬN KHÔNG PHẢI VÌ MÌNH YẾU MÀ VÌ MÌNH BIẾT
Cái khôn của người lớn không phải là cấm đoán, mà là biết nhìn trước rủi ro, biết “dọn sẵn đường” để tụi nhỏ được an toàn mà vẫn tự do khám phá.

Không ai sống mà kiểm soát mọi thứ được. Nhưng nếu ngay cả những thứ mình biết là có thể nguy hiểm mà vẫn bỏ qua, thì đó là sự bất cẩn có chủ đích.

KẾT MỞ:
Chăm chút cho con từng ly, lo từng hớp sữa, từng bữa ăn, từng trường học...
Đừng để “những chuyện tưởng không sao” làm lỡ dở cả một cuộc đời.
Bài tiếp theo sẽ là bài cuối – tổng kết lại hệ thống những điều dễ quên, dễ chủ quan mà chúng ta nên học cách nhìn lại mỗi ngày.

Viết bình luận của bạn
Facebook Trưng Bày Zalo Trưng Bày Messenger Trưng Bày